Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Nghệ Nhân

Huỳnh Bá Quát - ông tổ điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước

28/08/2020 - 3728 Lượt xem
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay dưới chân thắng cảnh kỳ vĩ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Theo người dân sinh sống lâu đời ở đây cho biết, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Non Nước có cách đây gần bốn thế kỷ. Ông tổ của nghề này là một người quê gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá ở xứ Thanh vào Đà Nẵng.

Ban đầu, số người biết nghề làm đá không nhiều. Sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay ngũ cốc hoặc các bia mộ được khắc bằng đá. Rồi dần dần những sản phẩm mỹ nghệ bằng cẩm thạch từ chân núi Non Nước cứ xếp thành dòng chu du khắp nơi, làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng từ đó mà nổi tiếng không ngừng.

Tương truyền, có một gia đình từ Thanh Hóa, vào định an sở nghiệp dưới chân núi Non Nước vào nửa đầu thế kỷ 17. Gia đình có hai anh em sinh đôi, đều có tài về chọn vân đá, biết bắt những khối cẩm thạch bền vững quy thuận ý tưởng mình. Chỉ những cô gái tinh mắt trong làng mới phân biệt được hai con người giống nhau này. Nhưng nhìn vào sản phẩm của hai người, trong làng ai cũng nhận ra được đâu là của anh, đâu là của em. Bởi những gì người anh chế tác có thể lẫn giữa các sản phẩm của những thợ đá khác. Còn của người em thì không. Chàng không làm ra đồ gia dụng, cũng không tạc tượng bát tiên quá hải, phước lộc thọ quen thuộc. Sản phẩm của chàng khiến nhiều người thời bấy giờ bỡ ngỡ: Con trâu trầm ngâm nhai cỏ, lão xẩm đánh đàn cò, thôn nữ mang giỏ hái dâu...

Một hôm, công sứ Pháp từ Hội An đánh xe thẳng đến làng đá với bức chân dung hoàng đế Pháp, đặt hàng với người em. Y muốn có một pho tượng hoàng đế nước Pháp bằng đá cẩm thạch và do nghệ nhân vùng đất y cai trị chế tác để làm quà biếu hoàng đế nhân lễ đại khánh... Chàng từ chối khéo với lý do chỉ tạc được những gì gần gũi, thân thiết trong khi hoàng đế nước Pháp đối với chàng quá xa lạ, không thể qua một bức ảnh làm nên pho tượng truyền thần được... Biết chàng ngầm chống đối, viên công sứ ra lệnh bắt giam chờ sáng hôm sau xử tội. Y nghĩ ra một hình phạt nghiệt ngã dành cho gã nghệ nhân dám bất hợp tác: Cho ngựa chiến giẫm nát đôi bàn tay tài hoa của chàng, loại bỏ khả năng sáng tạo. Nhưng trong đêm ấy người anh đã bí mật đánh tráo thay cho người em, chịu nhục hình để giữ gìn đôi tay tài hoa của em, của làng đá... người em đó chính là Huỳnh Bá Quát, sau đã phát triển nghề khai thác đá thủ công, điêu khắc đá ở vùng này.

Có thể nói, gần như hầu hết các văn bia thuộc địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đầu thế kỷ XVII cho đến sau này đều do thợ đá thủ công Non Nước điêu khắc. Nổi bật trong số đó có văn bia cổ dựng ở chùa Phổ Khánh, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được lập vào năm Mậu Ngọ (1678) đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3; Văn bia chùa Long Thủ, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, lập năm Quý Dậu (1693) đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 14. Văn bia cử nhân Lê Tấn Toán, thầy của Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn; Văn bia Tú tài tại Quế Sơn...

Hiện tại văn bia được chư tộc phái làng Quán Khái (tên làng dưới chân núi Non Nước, lúc đó thuộc huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam) đã cùng với thân tộc Huỳnh Bá dựng vào năm Canh Tuất (1850), niên hiệu Tự Đức thứ 3, chính giữa văn bia được ghi: "Hoàng triều, Thạch tượng Quán Khái xã, tiền hiền Huỳnh Bá tộc Thỉ khai”, nghĩa là "Triều vua (ám chỉ triều Nguyễn), người mở đầu điêu khắc đá xã Quán Khái là bậc tiền hiền của tộc Huỳnh Bá”. Hai chữ "Thỉ (còn đọc là thủy - ĐNCT) khai” được lấy từ sách Hán thư bởi thành ngữ "Thỉ sáng khai cương", tức là người mở đầu tạo lập một vùng đất hay một ngành nghề nào đó. Các vị tiền hiền khẩn điền kiến bộ, quy dân lập ấp cũng thường được thờ tại các đình làng bằng 4 chữ "Thỉ sáng khai cương", hoặc chỉ bằng hai chữ "Thỉ khai". Các vị tổ sư ngành nghề cũng được tôn thờ như thế tại đền thờ tổ nghề hay tại lăng mộ.Rõ ràng xét qua nội dung văn bia do xã Quán Khái cùng tộc Huỳnh Bá phụng lập, có thể thấy rằng: Thạch tượng tiền hiền Huỳnh Bá Quát là tiền bối mở đầu khai sáng làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật, không chỉ điêu khắc văn bia mà còn tạo tác các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các linh vật Long, Lân, Quy, Phượng, các Phật Thánh Tiên Thần mang tính chất văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tại các đền, chùa, lăng, miếu. Tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, hay mai, lan, cúc, trúc...

Nguồn: vietworld.world
BTV Như Quỳnh

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995